Đau mắt đỏ ở trẻ em: Dấu hiệu và cách điều trị

20/07/2024 Tác giả: DK Pharma Chuyên gia tham vấn: Nguyễn Thị Minh Phương

Đau mắt đỏ là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là vào mùa hè. Bệnh không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu mà còn có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin về dấu hiệu, triệu chứng và cách điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em, giúp bạn chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của con mình.

Đau mắt đỏ ở trẻ em

Đau mắt đỏ ở trẻ em là gì?

Bệnh đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng lớp màng mỏng bên trong mí mắt bị tổn thương, dẫn đến mắt đỏ, ngứa và chảy nước mắt. Bệnh lây lan rất nhanh qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với mắt người bệnh.

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, số ca đau mắt đỏ ở trẻ em gia tăng đột biến vào mùa hè. Điều này khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

BS Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: “Năm nay, số ca trẻ em đau mắt đỏ đến khám tăng cao hơn so với các năm trước. Đặc biệt, nhiều trẻ gặp biến chứng nặng do không được điều trị kịp thời, như: có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).

Dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

Khi trẻ em mắc bệnh đau mắt đỏ, cha mẹ có thể nhận biết qua các biểu hiện sau:

  • Mắt trẻ sẽ chuyển sang màu đỏ do bị xung huyết sau khi nhiễm virus.
  • Trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy và cộm mắt như có vật gì dính vào. Điều này khiến trẻ dụi mắt nhiều hơn, làm cho mắt càng đỏ và tổn thương nặng hơn.
  • Trẻ sẽ có nhiều ghèn mắt hơn bình thường, đặc biệt là khi mới ngủ dậy. Ghèn có thể có màu xanh nhạt, vàng nhạt hoặc trắng sữa, đặc hoặc lỏng. Dù đã được lau sạch, ghèn sẽ xuất hiện lại rất nhanh.
  • Mi mắt trên và dưới bị sưng, phù nề.
  • Đôi khi, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc đau họng.

Cha mẹ cần lưu ý các triệu chứng chính của bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em là mắt đỏ, trẻ hay dụi mắt, cảm thấy cộm và mắt có ghèn. Nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện nào nghi ngờ, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 Dấu hiệu đau mắt đỏ ở trẻ em

Nguyên nhân đau mắt đỏ ở trẻ em

Đau mắt đỏ ở trẻ em chủ yếu do virus gây ra, trong đó phổ biến nhất là Enterovirus (chiếm 80%) và Adenovirus. Cả hai nhóm virus này đều có thể dẫn đến các triệu chứng từ nhẹ đến nặng, tuy nhiên Enterovirus dễ lây lan hơn, còn Adenovirus có nguy cơ biến chứng thành bệnh mãn tính cao hơn.

Điều đáng chú ý là bệnh có thể lây ngay trước khi xuất hiện triệu chứng và kéo dài đến 3 ngày sau khi khỏi bệnh.

Ngoài virus, các tác nhân khác cũng có thể gây ra đau mắt đỏ ở trẻ em bao gồm:

  • Vi khuẩn: Staphylococcus aureus, cúm Haemophilus, phế cầu khuẩn, bệnh lậu Neisseria, chlamydia trachomatis
  • Virus herpes
  • Kích ứng do thành phần thuốc nhỏ mắt
  • Dị ứng bụi, nấm, mốc, phấn hoa

Nguyên nhân khiến trẻ bi đau mắt đỏ

Phương thức lây truyền

Các loại vi khuẩn, virus gây bệnh đau mắt đỏ thường dễ lây lan qua chất tiết, đường hô hấp trên.Cách lây truyền phổ biến nhất là qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Khi người bệnh dụi mắt hoặc ho, hắt hơi, virus từ mắt họ có thể bắn vào mắt người lành. Virus cũng có thể lây lan qua việc dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, gối hoặc ly uống nước với người bệnh.

Ngoài ra, đau mắt đỏ cũng có thể lây qua đường tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm. Ví dụ, nếu bạn chạm vào tay nắm cửa hoặc bề mặt bàn bị dính virus từ người bệnh, sau đó dụi mắt, bạn có thể bị lây bệnh.

Đối tượng trẻ có nguy cơ cao bị đau mắt đỏ

Bất kỳ trẻ em nào cũng có thể mắc bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm ở trẻ, bao gồm:

  • Tiếp xúc với người bệnh: Trẻ chơi chung, tiếp xúc gần với người bị đau mắt đỏ có nguy cơ cao lây nhiễm do virus hoặc vi khuẩn từ dịch tiết mắt của người bệnh.
  • Hệ miễn dịch yếu: Trẻ có hệ miễn dịch kém do suy dinh dưỡng, mắc bệnh mãn tính hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch dễ bị virus và vi khuẩn tấn công hơn, dẫn đến nguy cơ mắc đau mắt đỏ cao hơn.
  • Vệ sinh mắt không tốt: Trẻ thường xuyên dụi mắt, đưa tay bẩn lên mắt hoặc sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm với người bệnh có thể lây lan virus và vi khuẩn gây bệnh.
  • Sống trong vùng dịch: Khi có nhiều người trong cộng đồng mắc bệnh, nguy cơ lây lan cao hơn do virus và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp.

Điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp:

  • Nhiễm virus: Bệnh thường tự khỏi sau 7-14 ngày. Bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng virus, thuốc bổ tăng sức đề kháng cho trẻ như Vitamin C, B1, B2, B6, B12, Kẽm, Thymomodulin,… Trong một số trường hợp, thuốc nhỏ mắt kháng sinh có thể được sử dụng để dự phòng nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn.
  • Nhiễm khuẩn: Sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh như Tobramycin, Ciprofloxacin, Ofloxacin, Dyomicin, Neomycin,…
  • Dị ứng: Dùng thuốc uống hoặc thuốc nhỏ mắt kháng histamin để giảm triệu chứng viêm, sưng, ngứa, nóng rát. Có thể sử dụng thuốc giảm đau Paracetamol nếu trẻ bị đau quá mức.
  • Nhiễm Herpes: Sử dụng thuốc uống, nhỏ mắt theo đơn của bác sĩ.

Ngoài ra, mẹ nên rửa mắt thường xuyên cho bé bằng thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% (Nước muối sinh lý) để rửa sạch bụi bẩn, gỉ mắt cho trẻ, giúp mắt luôn sạch sẽ.

Cách điều trị đau mắt đỏ ở trẻ em

Cách phòng ngừa đau mắt đỏ

Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em, phụ huynh nên chú ý chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng.
  • Vệ sinh mắt thường xuyên
  • Tránh chạm vào mắt bằng tay chưa rửa sạch vì điều này có thể đưa vi khuẩn hoặc virus vào mắt.
  • Nếu có các triệu chứng ban đầu của viêm kết mạc như đỏ, chảy nước mắt hoặc đau… nên đi khám để được chẩn đoán kịp thời và điều trị thích hợp.
  • Tránh dùng chung vật dụng cá nhân như khăn tắm, quần áo, gối hoặc ga trải giường với người khác, vì viêm kết mạc có thể lây lan qua các vật dụng thường chạm vào.
  • Tránh dùng chung thuốc nhỏ mắt.
  • Hạn chế đến các khu vực đông người, đặc biệt là vùng dịch. Trường hợp bắt buộc, trẻ nên được đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tiếp xúc kỹ lưỡng.

Đau mắt đỏ ở trẻ em không phải là bệnh lý quá nguy hiểm, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Với những thông tin trên, hy vọng cha mẹ có thể hiểu rõ hơn về bệnh và cách chăm sóc trẻ một cách tốt nhất.

Xem thêm: Dung dịch nhỏ mắt thiên nhiên Happy Eyes Natural

×
1800 59 99 77

Chat với chúng tôi