Năm 2012, Công ty Cổ phần Dược Khoa (tiền thân là Công ty TNHH MTV Dược Khoa – Trường Đại học Dược Hà Nội) giới thiệu mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” đến tỉnh Quảng Ninh nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế vùng nông thôn với những giá trị nội tại chính là những đặc sản vùng, miền và sau đó trở thành đơn vị duy nhất và trực tiếp tư vấn UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng, triển khai Đề án: “Tỉnh Quảng Ninh mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Sáng 22/10, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Quảng Ninh diễn ra Hội nghị “Đánh giá kết quả 3 năm (2013 – 2016) thực hiện Đề án: “Mỗi xã, phường một sản phẩm” và “Phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2017 – 2020”.
Công ty Cổ phần Dược khoa vinh dự được nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh do có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Đề án: “Tỉnh Quảng Ninh mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Dự Hội nghị tổng kết có đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; cùng dự có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các Sở ban ngành của Tỉnh.
Đề án “ Tỉnh Quảng Ninh mỗi xã, phường một sản phẩm” là một chương trình nhằm thực hiện việc phát triển hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn góp phần giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn. Chương trình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản (tiếng Anh là One village, one product- viết tắt là OVOP), phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Đến nay đã có hơn 40 nước làm theo và đã triển khai rất thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn.
Năm 2012, Công ty Cổ phần Dược Khoa (tiền thân là Công ty TNHH MTV Dược Khoa – Trường Đại học Dược Hà Nội) giới thiệu mô hình “Mỗi làng một sản phẩm” đến tỉnh Quảng Ninh nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế vùng nông thôn với những giá trị nội tại chính là những đặc sản vùng, miền và sau đó trở thành đơn vị duy nhất và trực tiếp tư vấn UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng, triển khai Chương trình.
Sau 3 năm triển khai, tính đến hết tháng 9/2016, thông qua chương trình đã có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia với gần 200 sản phẩm thuộc các nhóm Thực phẩm – Ẩm thực, Đồ uống và Thảo dược. Các sản phẩm đều có bao bì nhãn mác đẹp, kiểu dáng hiện đại và đều đạt các tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Song song với việc phát triển tổ chức kinh tế, phát triển sản phẩm, qua chương trình cũng đã thành lập 01 trung tâm OCOP cấp tỉnh tại TX Đông Triều và 10 trung tâm OCOP cấp huyện tại các huyện Hoành Bồ, Bình Liêu, Hải Hà, Quảng Yên, Ba Chẽ, Uông Bí…. nhằm thúc đẩy việc phân phối và bán các sản phẩm thuộc chương trình. Đặc biệt, thông qua các kỳ hội chợ, sản phẩm OCOP đã trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh, nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của người dân và du khách trong nước và quốc tế.
Hội nghị tổng kết ghi nhận và tôn vinh những tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho việc xây dựng và triển khai Chương trình trong Giai đoạn vừa qua. Phát biểu tại hội nghị, Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đánh giá cao các kết quả đạt được của Chương trình, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện chương trình OCOP sâu rộng và quy mô hơn nữa nhằm sản xuất hàng hóa OCOP cung cấp quanh năm, tổ chức rà soát, lựa chọn ra sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, của quốc gia và xuất khẩu.
Tiếp tục những thành quả trong giai đoạn 1, công ty cổ phần Dược Khoa tiếp tục là đơn vị trực tiếp tư vấn UBND tỉnh Quảng Ninh triển khai giai đoạn 2 của chương trình (2017-2020). Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa chương trình trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh; khai thác các thế mạnh về Du lịch, nông – lâm – thủy sản, dược liệu của tỉnh. Đồng thời, đưa nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu uy tín trong cả nước và quốc tế.