CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC KHOA

Số 9 Nguyễn Công Trứ, P. Phạm Đình Hổ, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội.

SỐT XUẤT HUYẾT – CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Ngày đăng Jul, 24 2017

Tính từ đầu năm 2017, Việt Nam đã có gần 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó đã có 15 trường hợp tử vong. Chỉ riêng trong nửa đầu tháng 7, số bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi so với tháng 6. Hiện tại, dịch bệnh đang bùng phát nhanh chóng và có xu hướng khó kiểm soát.

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà thông qua vector truyền bệnh là muỗi vằn.

Dịch tễ học

Mỗi năm có khoảng 390 triệu người mắc bệnh sốt xuất huyết, với khoảng 96 triệu người phải nhập viện. Sốt xuất huyết chủ yếu xảy ra ở các vùng nhiệt đới, trong đó những vùng có nguy cơ cao nhất là:

  • Nam Á
  • Đông Nam Á
  • Nam Trung Quốc
  • Đài Loan
  • Quần đảo Thái Bình Dương
  • Caribbean (trừ Cuba và quần đảo Cayman)
  • Mexico
  • Châu phi
  • Trung và Nam Mỹ (trừ Chile, Paraguay, và Argentina)

Tính từ đầu năm 2017, Việt Nam đã có gần 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó miền Bắc hơn 4.500 ca, miền Trung hơn 12.100 ca, Tây Nguyên hơn 5.300 ca. Đặc biệt, miền Nam đã có gần 27.000 ca, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016. Cả nước cũng đã ghi nhận 15 ca tử vong vì sốt xuất huyết.

Tại miền Bắc, dịch sốt xuất huyết đến sớm bất thường so với mọi năm đã khiến lượng bệnh nhân đổ về khoa Truyền nhiễm - BV Bạch Mai tăng đột biến. Chỉ riêng trong nửa đầu tháng 7, số bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi so với tháng 6. Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận gần 4.000 trường hợp đến khám và cũng đã có 01 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Hiện tại, dịch bệnh đang bùng phát nhanh chóng và có xu hướng khó kiểm soát.

Các triệu chứng của sốt xuất huyết?

Các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện sau 4-6 ngày nhiễm virus và kéo dài đến 10 ngày. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột
  • Đau đầu nặng
  • Đau sau hốc mắt
  • Đau khớp và đau cơ nghiêm trọng
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn, nôn
  • Phát ban trên da, xuất hiện từ 2 đến 5 ngày sau khi bắt đầu sốt. Bạn có thể phân biệt ban xuất huyết với phát ban thông thường bằng cách: căng da nơi có nốt đỏ, nếu ban không mất đi là ban xuất huyết, nếu ban mất đi là ban xuất huyết thông thường.
  • Chảy máu nhẹ (như chảy máu mũi, chảy máu chân răng hoặc dễ bầm tím)

Đôi khi, các triệu chứng nhẹ và có thể bị nhầm lẫn với những người bị cúm hoặc nhiễm virut khác. Trẻ nhỏ và những người chưa bao giờ bị nhiễm trùng trước đó có xu hướng bị bệnh nhẹ hơn so với trẻ lớn và người lớn. Tuy nhiên, một số biến chứng nghiêm trọng có thể tiến triển như: sốt cao, tổn thương mạch bạch huyết và mạch máu, xuất huyết tiêu hóa, gan, não, có thể gây sốc và tử vong. Đây được gọi là hội chứng sốc Dengue (DSS).

Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu cũng như những người đã từng mắc sốt xuất huyết nhiều lần được cho là có nguy cơ phát triển bệnh sốt xuất huyết dengue cao hơn.

Chẩn đoán sốt xuất huyết?

Các bác sỹ sẽ thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra virus hoặc kháng thể của nó để chẩn đoán chính xác sốt xuất huyết dangue.

Nếu bạn nghi ngờ hoặc có bất kì triệu chứng nào như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị kịp thời.

Điều trị sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị chủ yếu tập trung điều trị triệu chứng:

  • Hạ sốt bằng paracetamol (không dùng aspirin do sẽ làm nặng hơn triệu chứng xuất huyết)
  • Uống nhiều nước, oresol, nước hoa quả…
  • Nếu cảm thấy tình trạng tồi tệ hơn trong 24h sau khi hạ sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
  • Các trường hợp nặng có thể phải truyền máu hoặc truyền khối tiểu cầu.

Hiện nay đã có phác đồ điều trị sốt xuất huyết cho người lớn. Đây là phác đồ chuẩn được áp dụng cho tất cả các nước có sốt xuất huyết trên toàn thế giới. Theo đó, nếu mới có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh chỉ cần đến các cơ sở tuyến đầu để được hướng dẫn cách điều trị tại nhà mà không cần nằm viện. Tất cả các cơ sở tuyến đầu đều đã được tập huấn đủ khả năng để xử lý những trường hợp ở cấp độ nhẹ.

Phòng chống sốt xuất huyết?

Hiện chưa có vaccin để phòng sốt xuất huyết. Cách tốt nhất để phòng bệnh là ngăn chặn bị muỗi đốt, đặc biệt ở vùng nhiệt đới và vùng đang có dịch. Đồng thời, cần tiêu diệt các đường sinh sản của muỗi để tránh dịch bệnh lây lan rộng hơn.

  • Mặc quần áo dài tay, mắc màn khi ngủ cả ban đêm lẫn ban ngày.
  • Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài.
  • Đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy).
  • Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe…), thay nước lọ hoa mỗi ngày... Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.

Chúc các bạn luôn khỏe mạnh và biết cách phòng tránh cũng như xử trí khi bị sốt xuất huyết cho mình và người thân nhé!

1800 59 99 77